Tin mới
Đang cập nhật...

Google đặt ảnh đại diện vinh danh Giáo sư Tôn Thất Tùng

Ngày 10/5/2022, Google thay đổi ảnh đại diện logo trên trang chủ là hình ảnh Giáo sư Tôn Thất Tùng nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông.

google vinh danh giao su ton that tung
Hình chụp màn hình trang chủ Google.com.vn ngày 10/5/2022

Hình ảnh logo do nghệ sĩ Châu Lương thực hiện nhằm tôn vinh giáo sư Tùng cùng những thành tựu y khoa mà ông đạt được. Ông là người Việt Nam thứ 4 được Google vinh danh, trước đó có họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nữ nhà văn Xuân Quỳnh.

Google là một công cụ được sử dụng để tìm kiếm nhiều thông tin như trang web, hình ảnh, bản đồ,… Trong những sự kiện, ngày lễ hoặc dịp đặc biệt, Google thay đổi logo là những biểu tượng, hình ảnh tạm thời để vinh danh thành tựu và con người.

giao su bac si Ton That tung
Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng. Ảnh tư liệu đen trắng được Tongdaiykhoa.com xử lý màu.

Giáo sư Tôn Thất Tùng sinh ngày 10/5/1912 tại Thanh Hóa và lớn lên ở Huế và mất ngày 7/5/1982 tại Hà Nội.

Ông là bác sĩ, nhà khoa học và nhà phẫu thuật nổi tiếng của Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực gan và giải phẫu. Ông là người đầu tiên nghiên cứu thành công phương pháp “cắt gan có kế hoạch”, còn được gọi là “phương pháp cắt gan khô”, “phương pháp Tôn Thất Tùng”.

Giáo sư Tùng là một người say mê nghiên cứu khoa học y học. Ngoài công trình về cách phân chia mạch máu trong gan gửi về Viện hàn lâm Pháp, được tặng Huy chương Bạc của Trường Đại học Tổng hợp Paris, ông còn để lại 123 công trình khoa học. Ông là một trong những nhà khoa học đầu tiên xây dựng phương pháp mổ gan mang tên ông.

Sau này, ông có nhiều cống hiến cho ngành y học Việt Nam trên cương vị Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại khoa (Đại học Y Hà Nội), Giám đốc Bệnh viện Việt – Đức, Thứ trưởng Y tế nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông là người thầy đào tạo nhiều thế hệ bác sĩ tài năng cho ngành y học nước nhà.

Giáo sư Tôn Thất Tùng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, viện sĩ Viện hàn lâm Y học Liên Xô, viện sĩ Viện hàn lâm Phẫu thuật Paris, hội viên Hội các nhà phẫu thuật Lyon (Pháp),…

Trả lời VnExpress, bà Vi Thị Nguyệt Hồ, 94 tuổi – vợ Giáo sư Tùng bày tỏ niềm vui khi mọi người, đặc biệt là bệnh nhân vẫn còn ưu ái và nhớ đến giáo sư dù đã 40 năm trôi qua kể từ ngày ông mất.

Bà Hồ kể, mỗi năm cứ đến ngày sinh nhật chồng, căn phòng nhỏ của gia đình lại tấp nập người quen là những học trò cũ, người bạn cũ và bệnh nhân đến chúc mừng. Hôm qua, con gái bà nấu một nồi phở to để mời mọi người ăn và cùng ôn lại kỷ niệm.

Trước đây, bà thường xuyên ra nghĩa trang, một tháng hai lần, ngồi một mình rất lâu trước bia mộ của chồng và con trai là Phó giáo sư Tôn Thất Bách. Thói quen đó bắt đầu từ năm 1982 khi ông Tùng mất và không hề thay đổi qua mấy chục năm. Gần đây, sức khỏe yếu hơn, bà đều đặn thắp hương cho chồng cùng con trai vào buổi sáng và tối. Với bà, góc bàn thờ trở thành nơi lưu giữ di ảnh quý, để bà thành kính tưởng niệm những người thân yêu đã mất.

Ngoài ra, bà vẫn giữ nguyên mọi đồ đạc, kỷ vật, sách vở của chồng trong phòng khách, như sự hiện diện hàng ngày của ông trong đời sống của bà.

Thùy An

Nguồn: VnExpress

Những xét nghiệm máu không cần nhịn ăn

 

Những xét nghiệm máu không cần nhịn ăn thường gặp có thể kể đến là: Xét nghiệm công thức máu, nhóm máu, HbA1C, NIPT trong tầm soát dị tật bẩm sinh thai nhi, xét nghiệm acid uric trong bệnh gút, xét nghiệm thử thai Beta hCG,…

nhung xet nghiem khong can nhin an
Với một số xét nghiệm, nếu xét nghiệm ngay sau khi ăn hoặc thời gian lấy máu quá gần thời điểm ăn thì kết quả xét nghiệm sẽ bị sai lệch.

1. Những xét nghiệm máu không cần nhịn ăn

Bên cạnh những xét nghiệm yêu cầu người xét nghiệm phải nhịn ăn 4-8 giờ trước khi lấy máu xét nghiệm để có kết quả chính xác như: Xét nghiệm đường huyết, xét nghiệm chức năng gan, xét nghiệm đánh giá chức năng thận, xét nghiệm mỡ máu, xét nghiệm sắt trong máu, xét nghiệm hàm lượng vitamin B12,… thì có những xét nghiệm không cần nhịn ăn. Việc ăn uống không ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm.

Những xét nghiệm máu không cần nhịn ăn phổ biến là:

  • Xét nghiệm công thức máu
  • Xét nghiệm nhóm máu
  • Xét nghiệm HbA1C
  • Xét nghiệm NIPT trong tầm soát dị tật bẩm sinh thai nhi
  • Xát nghiệm acid uric trong chẩn đoán, theo dõi và điều trị bệnh gút
  • Xét nghiệm thử thai Beta hCG
  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp
  • Xét nghiệm virus viêm gan A, viêm gan B, viêm gan C, viêm gan D
  • Xét nghiệm PCR Covid
  • Xét nghiệm chỉ dấu ung thư:
  • Xét nghiệm bệnh xã hội: HIV, Giang mai, virus herpes
  • Xét nghiệm tìm ký sinh trùng: sán chó, sán mèo, sán lá gan,…
  • V.v…

2. Tại sao bác sĩ thường dặn bạn phải nhịn ăn trước khi xét nghiệm máu?

Khi đi khám bệnh, có thể bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm thêm một số xét nghiệm khác như: Xét nghiệm đường huyết, xét nghiệm chức năng gan, xét nghiệm đánh giá chức năng thận, xét nghiệm mỡ máu,… tùy theo tình hình khám bệnh thực tế. Đây là những xét nghiệm rất hay gặp.

Với những xét nghiệm như kể trên, nếu xét nghiệm ngay sau khi ăn hoặc thời gian lấy máu quá gần thời điểm ăn, chất dinh dưỡng có trong thức ăn sẽ chuyển hóa thành đường glucose, mỡ,… khiến lượng đường, mỡ trong máu tăng cao hoặc có thể gây tăng men gan, làm giảm chức năng thận, ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả xét nghiệm

3. Một số lưu ý trước khi xét nghiệm máu

Đối với những xét nghiệm máu không đòi hỏi phải nhịn ăn thì bạn vẫn nên lưu ý tránh các loại thực phẩm sau đây:

  • Các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,…
  • Cà phê có thể ảnh hưởng đến tiêu hóa nên cũng cần hạn chế.
  • Kẹo cao su (kể cả loại không đường) cũng có khả năng làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm bởi nó làm tăng tốc độ tiêu hóa.

Tổng đài Y khoa

Hậu COVID và một số rối loạn tâm thần thường gặp

 

Mặc dù không phổ biến nhưng thực tế hiện nay cho thấy tỷ lệ người mắc phải chứng rối loạn tâm thần hậu Covid đang có chiều hướng gia tăng, với các biểu hiện như: rối loạn giấc ngủ, rối loạn âu lo, trầm cảm,… Những rối loạn tâm thần này gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người bệnh.

roi loan tam than hau covid
Những rối loạn tâm thần hậu Covid đã và đang làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống của những người có tiền sử nhiễm Covid.

1. Mắc Covid có mối liên quan với các triệu chứng rối loạn tâm thần sau khi khỏi bệnh

Công trình nghiên cứu đa quốc gia được thực hiện trên hơn 9.900 người được chẩn đoán là mắc Covid ở độ tuổi 40 – 50 (trong đó tỷ lệ cao hơn thuộc về nữ giới) cho biết, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng mắc Covid có mối liên quan với sự xuất hiện các triệu chứng rối loạn tâm thần sau khi khỏi bệnh. Nghiên cứu này đã được công bố ở trang medRxiv.

Theo các nhà nghiên cứu, so với những người không mắc Covid thì những người có tiền sử đối với bệnh Covid sẽ có chất lượng giấc ngủ kém hơn và có nguy cơ bị trầm cảm sau 16 tháng kể từ thời điểm được chẩn đoán mắc bệnh. Tuy nhiên, theo thời gian, các triệu chứng trầm cảm, căng thẳng, lo âu liên quan đến bệnh Covid sẽ giảm dần.

Trong suốt 16 tháng thực hiện nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy so với những người không phải nằm liệt giường do Covid thì người phải nằm liệt giường trên 7 ngày do bệnh lý này có nguy cơ bị trầm cảm và rối loạn lo âu cao hơn khoảng 50 – 60%. Trong số bệnh nhân được chẩn đoán bị Covid thì có khoảng 21% xuất hiện triệu chứng trầm cảm sau tối thiểu 6 tháng, 44% bệnh nhân nhập viện do Covid có triệu chứng trầm cảm sau 6 – 16 tháng.

Các nhà nghiên cứu cũng cho biết, dựa vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng do Covid gây ra có thể xác định được các bệnh rối loạn tâm thần hậu Covid ở từng bệnh nhân. Mức độ nặng của bệnh, thời gian bệnh nhân nằm liệt giường do bệnh có liên quan với nguy cơ gia tăng các triệu chứng rối loạn tâm thần. Đây cũng chính là nghiên cứu đầu tiên cho thấy sự liên quan giữa thời gian nằm liệt giường của bệnh nhân với nguy cơ bị rối loạn tâm thần sau khi đã khỏi Covid.

2. Một số rối loạn tâm thần hậu Covid hay gặp phải

2.1. Rối loạn stress

Trong một số rối loạn tâm thần hậu Covid hay gặp thì tình trạng này được xem là phổ biến nhất. Nó là dạng rối loạn xảy ra ở những bệnh nhân nặng, đã phải trải qua cơn thập tử nhất sinh, đã có người thân trong gia đình tử vong do Covid, người đã phải chứng kiến một số lượng lớn người tử vong do Covid hàng ngày. Biển hiện thường xuất hiện ở họ là:

  • Hồi tưởng, cảm thấy và có hành động giống như là mình lại phải trải qua chấn thương. Khi tiếp xúc với người bị Covid hoặc người tử vong do bệnh lý này, họ sẽ có phản ứng căng thẳng hoặc thường xuyên có những giấc mơ, những ký ức đau buồn. Hệ lụy của tình trạng ấy là họ sưu tập và tìm kiếm một cách bừa bãi những gì có liên quan tới Covid.
  • Tránh tất cả những hành động hay suy nghĩ có liên quan tới Covid, khả năng ghi nhớ giảm sút, có cảm giác mình không có tương lai, cảm thấy mình bị bỏ rơi, cảm thấy bất an với tất cả những gì xung quanh mình, có cuộc sống không bình thường, không thể có con,…
  • Có triệu chứng tăng kích thích như: giật mình, khó chịu, mất ngủ, dễ cáu gắt một cách thái quá,…

Tình trạng rối loạn stress hậu Covid nếu kéo dài dưới 3 tháng được gọi là cấp tính nhưng nếu vượt qua 3 tháng sẽ trở thành mạn tính và cần phải điều trị lâu dài.

2.2. Rối loạn thích ứng

Những triệu chứng rối loạn thích ứng liên quan đến Covid có thể xuất hiện ngay sau khi người bệnh trải qua chấn thương tâm lý nhưng cũng có thể xuất hiện sau đó khoảng 3 tháng, biểu hiện khác nhau tùy theo độ tuổi. Biểu hiện của một số rối loạn tâm thần hậu Covid hay gặp dạng rối loạn thích ứng gồm:

  • Trầm cảm: Người bị mắc dạng rối loạn này thường có khuôn mặt đau khổ, ngơ ngác, đánh mất đi sở thích trước đây, tâm lý bi quan và chán nản, không có hy vọng ở tương lai, hay than phiền, ngủ khó, ngủ kém, hay dậy sớm,… Không những thế, người bệnh còn luôn thấy mình bị mất năng lượng nên không muốn làm bất cứ điều gì. Họ dễ cáu giận, chán ăn, ăn không ngon miệng, lo lắng thái quá, buồn vô cớ, có thể tự sát,… Những triệu chứng này thường kéo dài nhiều tuần liền, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh.
  • Lo âu: Biểu hiện là người bệnh không thể kiểm soát được trạng thái lo lắng của mình. Chính vì thế mà tình trạng lo âu diễn ra ở người bệnh trong cả ngày dài. Cứ như thế, người bệnh phải sống trong cảm giác lo sợ suốt nhiều tuần, nhiều tháng nên đầu óc hay trống rỗng, khó tập trung, khó ghi nhớ, nếu phải suy nghĩ họ sẽ cảm thấy rất mệt mỏi,…

3. Lời kết

Những rối loạn tâm thần hậu Covid hay gặp như kể trên đây đã và đang làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống của những người có tiền sử nhiễm Covid. Để tránh rơi vào trạng thái này, tốt nhất người bệnh nên cố gắng giữ cho mình tâm lý thoải mái, không dồn nén lo âu khi mắc bệnh. Nếu cảm thấy có dấu hiệu ảnh hưởng sức khỏe tâm thần, hãy tìm đến chuyên gia tâm lý để chia sẻ và được tư vấn hướng khắc phục kịp thời.

Nguồn: Medlatec


Bài gốc: Hậu COVID và một số rối loạn tâm thần thường gặp (tongdaiykhoa.com)

Hiến gan có ảnh hưởng gì không ?

 

Chúng ta đều biết rằng hút thuốc lá ảnh hưởng xấu tới phổi và tim mạch. Vậy với gan thì sao, hút thuốc lá có ảnh hưởng đến gan không? Mời Quý bạn đọc cùng Tổng đài Y khoa tìm câu trả lời trong nội dung dưới đây.

hut huoc thuoc la co anh huong den gan khong
Hút thuốc lá có ảnh hưởng đến gan không ?

Chúng ta đều biết rằng hút thuốc lá ảnh hưởng xấu tới phổi và tim mạch. Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây các bệnh lý có thể dự phòng được và làm tử vong khoảng 480.000 trường hợp hàng năm tại Hoa Kỳ, tương đương với 1/5 số ca hút thuốc lá.

Hút thuốc lá cũng ảnh hưởng rất xấu tới gan. Những tác động khi hút thuốc ảnh hưởng đến gan qua 03 cơ chế riêng biệt là: gây độc, giảm miễn dịch và gây ung thư. Cụ thể:

  1. Gây độc: cả trực tiếp và gián tiếp – độc hại trực tiếp gây căng thẳng oxy hoá do các chất trong thuốc lá có tính gây độc tế bào làm kích hoạt các tế bào hình sao dẫn đến xơ hoá. Một trong những chất độc gián tiếp do hút thuốc lá gây lên là bệnh đa hồng cầu thứ phát. Tăng carboxyhemoglobin làm giảm khả năng vận chuyển oxy của các mô, dẫn đến tăng khối lượng hồng cầu, làm tăng lượng sắt dị hoá. Chất này được quét bởi các đại thực bào và tích tụ trong tế bào gan dẫn đến tổn thương gan do quá trình thúc đẩy oxy hoá.
  2. Giảm miễn dịch và gây ung thư: Hút thuốc lá có chất Nicotine trong thuốc lá gây ức chế sự tăng sinh và biệt hoá tế bào Lympho dẫn đến ức chế sự hình thành kháng thể, gây độc tế bào làm giảm khả năng miễn dịch tự nhiên của tế bào. Vì vậy hút thuốc thúc đẩy sự tiến triển của xơ gan mạn tính.
  3. Gây ung thư: Khi hút thuốc làm tăng các Cytokine tiền viêm dẫn đến tổn thương tế bào gan. Hút thuốc làm đẩy nhanh quá trình phát triển ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) ở bệnh nhân có viêm gan vi rút B hoặc C mạn tính. Hút thuốc là nguyên nhân gây bệnh ung thư cao gấp nhiều lần vì trong thuốc lá có các chất gây ung thư được tìm thấy như: hydrocacbon, nitrosamine, hắc ín, vinyl clorua. aminobiphenyl – là các chất đã được chứng minh làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô tế bào gan.

Ngoài ra, đối với những người cần ghép gan, hút thuốc lá gây ảnh hưởng xấu đến chức năng phổi, tăng hạn chế về thể chất và ngăn cản việc ghép gan. Nếu bệnh nhân ghép gan hút thuốc lá sẽ có những kết quả bất lợi là tăng nguy cơ ác tính mới, biến chứng mạch máu dẫn đến tử vong do mất chức năng gan ghép.

Sẽ cần thêm những nghiên cứu về tác động tiêu cực của thuốc lá đối với bệnh gan. Tuy nhiên, có thể thấy rõ nhiều tác động xấu của việc hút thuốc lá đã gây ra nhiều bệnh lý gan nặng.

Hy vọng rằng những thông tin trên đã giúp bạn có thêm thông tin về những tác động của thuốc lá đối với sức khỏe lá gan.

Tham khảo: Phân hội phẫu thuật gan, mật, tụy Việt Nam

Bài gốc: Hút thuốc lá có ảnh hưởng đến gan không ? (tongdaiykhoa.com)

Trầm cảm hậu Covid và những điều cần lưu ý

 

Sau khi nhiễm Covid, một tỉ lệ cao bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tâm thần. Trong đó, những triệu chứng của trầm cảm có thể lên đến 50%.

tram cam hau covid Post-Covid Depression
Trầm cảm hậu Covid là bệnh trầm cảm xảy ra sau khi khỏi Covid khoảng một vài tháng.

1. Trầm cảm hậu Covid là gì?

Trầm cảm (tên tiếng Anh là Depression) là một căn bệnh rối loạn tâm trạng gây ra cảm giác buồn bã, mất mát và chán nản, đồng thời khiến người bệnh có những suy nghĩ tiêu cực, tự làm hại bản thân mình hoặc làm hại tới những nguòi xung quanh…

Trầm cảm hậu Covid là bệnh trầm cảm xảy ra sau khi khỏi Covid khoảng một vài tháng. Những biểu hiện để chẩn đoán trầm cảm bao gồm: Cảm giác buồn chán, bi quan, mất hy vọng vào tương lai, mất tự tin, không tập trung chú ý, mất hết hứng thú vào những hoạt động trước kia mình thích… Khi một người có 02 trong những biểu hiện này thì có thể mắc trầm cảm.

Trầm cảm hậu covid là một căn bệnh tâm thần rất nguy hiểm. Trầm cảm hậu covid có thể gây ra rất nhiều những nguy hại cho người mắc phải, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người bệnh, đồng thời có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng rất khó lường trước.

🞂 Bạn có thể tìm hiểu thêm về bệnh trầm cảm tại bài viết: Trầm cảm là gì ? Nhận biết các dấu hiệu trầm cảm

2. Nguyên nhân của trầm cảm hậu Covid

– Do phản ứng miễn dịch của cơ thể với vi rút Covid

Khi mắc Covid, cơ thể sẽ kích thích hệ thống miễn dịch sản xuất ra các cytokines, chemokines và những chất khác thúc đẩy phản ứng viêm. Đặc biệt có một loại cytokine là loại được bài tiết ra từ tế bào T helper 2. Nồng độ cytokine càng cao thì mức độ nhiễm Covid càng nặng. Khi cơ thể không kiểm soát được quá trình viêm thì những điều tồi tệ sẽ xảy ra với hệ thần kinh.

Phản ứng viêm ở hệ thần kinh, phá vỡ hàng rào máu não. Các tế bào viêm ở ngoại biên xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương, gây rối loạn sự dẫn truyền thần kinh, rối loạn trục của hệ thống nội tiết dưới đồi, tuyến yên. Tất cả những biến đổi đó là nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm thần trong đó có trầm cảm, thậm chí là kể cả sau khi hết nhiễm Covid.

– Do yếu tố tâm lý trong giai đoạn nhiễm Covid

Những yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến trầm cảm trong giai đoạn nhiễm Covid như:

  • Sự cách ly về xã hội, những lo lắng do sợ mình làm lây bệnh sang người khác;
  • Những yếu tố kỳ thị do liên quan đến Covid.

Thời gian cách ly trong quá trình điều trị Covid làm cho người bệnh bị cách ly với xã hội bên ngoài, cảm giác cô đơn, không tương tác được với mọi người khác. Bên cạnh đó có thể là tình trạng rối loạn giấc ngủ, điều này sẽ làm tăng khả năng bị trầm cảm.

Nhiều yếu tố tâm lý xã hội khác: Những lo lắng căng thẳng do sự lây lan của dịch bệnh, lo lắng sợ bị bệnh, sự đau khổ do mất người thân, hoặc những vấn đề về tài chính như thất nghiệp, giảm thu nhập, bệnh lý mãn tính mà không tiếp cận được các dịch vụ y tế trong thời kỳ bệnh dịch.

3. Biểu hiện của trầm cảm hậu Covid

Biểu hiện của trầm cảm hậu Covid gồm những biểu hiện sau:

  • Cảm giác buồn chán, mất hy vọng, bơ phờ.
  • Không thấy được khả năng hồi phục sức khỏe của mình.
  • Vô cảm, không có hoặc có rất ít những phản ứng cảm xúc khi thấy người khác bị nhiễm hoặc chết vì Covid.
  • Mất hết hứng thú trong công việc hàng ngày.
  • Thu rút các mối quan hệ xã hội, kể cả những mối quan hệ với những người thân yêu của mình.
  • Dao động, không quyết đoán khi đưa ra kế hoạch trong tương lai.
  • Sợ bị nhiễm Covid hoăc ngược lại, mặc kệ không quan tâm.
  • Biểu hiện hay quên, không có khả năng hoàn thành một công việc hay một nhiệm vụ nào đó.
  • Kém tập trung, hay bị sao nhãng trong công việc.
  • Rối loạn giấc ngủ, bao gồm cả mất ngủ, ngủ hay mơ, khó đi vào giấc ngủ, hay tỉnh giấc sớm.
  • Đau đầu, có những triệu chứng của lo âu đi kèm.
  • Tăng sử dụng chất kích thích như rượu, cần sa, amphetamine.
  • Cảm giác kiệt sức, suy nhược thần kinh.

4. Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Nếu bạn cảm thấy chán nản vài ngày với các biểu hiện triệu chứng như ở trên, hãy hẹn gặp bác sĩ ngay khi có thể. Trầm cảm có thể trở nên tồi tệ hơn rất nhiều nếu nó không được điều trị. Vì bản thân và người thân của bạn, đừng chủ quan.

Lưu ý: Trầm cảm không chỉ tác hại nghiêm trọng tới người bị bệnh mà thậm chí nó có thể còn đặt những người xung quanh vào tình trạng nguy hiểm không mong muốn. Khi có các dấu hiệu như kể trên, bạn nên sớm tới khám tại các cơ sở y tế uy tín có khoa tâm thần kinh để được chẩn đoán và điều trị sớm. Bệnh được điều trị càng sớm, các tác hại của bệnh càng được giảm thiểu.

5. Lời kết

Trầm cảm hậu Covid là bệnh có thể điều trị được và cần phải được điều trị với các bác sĩ khoa tâm thần kinh. Tùy vào thể trạng bệnh nhân, bệnh cần trị liệu trong thời gian dài hoặc ngắn. Vì một cuộc sống tốt hơn, bản thân người bệnh và người thân cần có thái độ tích cực khi đối mặt với căn bệnh này.

Nếu có các triệu chứng nghi ngờ trầm cảm, người bệnh không nên xem nhẹ hay bỏ mặc cơ thể mà cần đến cơ sở y tế có chuyên môn, trình độ cao để được khám, đánh giá mức độ trầm cảm cũng như đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Tham khảo: Trầm cảm hậu COVID-19 và những điều cần lưu ý (suckhoedoisong.vn)

Trầm cảm là gì ? Nhận biết các dấu hiệu trầm cảm

 

Trầm cảm là một căn bệnh rối loạn tâm trạng nguy hiểm, tác động nhiều đến mặt tinh thần. Người bệnh trầm cảm thường có cảm giác buồn bã, mất hứng thú kéo dài gây ảnh hưởng tới thể chất của người bệnh, thậm chí khiến người bệnh có ý định gây ảnh hưởng đến tính mạng của bản thân hoặc người thân.

tram cam la gi dau hieu tram cam Depression
Stress và trầm cảm (Depression) là hai bệnh khác nhau.

1. Trầm cảm là gì?

Trầm cảm (tên tiếng Anh là Depression) là một căn bệnh rối loạn tâm trạng gây ra cảm giác buồn bã, mất mát và chán nản, đồng thời khiến người bệnh có những suy nghĩ tiêu cực, tự làm hại bản thân mình hoặc làm hại tới những nguòi xung quanh… Trầm cảm không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng, tình cảm, suy nghĩ và hành xử của người bệnh mà còn có thể dẫn đến nhiều vấn đề về thể chất.

Trầm cảm có các biểu hiện như: Mất ngủ hoặc ngủ triền miên, kích động hoặc trở nên chậm chạp, mệt mỏi hoặc mất sức, cảm giác vô dụng, vô giá trị hoặc mặc cảm tội lỗi, giảm khả năng tập trung, do dự, hay nghĩ đến cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát… Dựa vào những triệu chứng và mức độ của các dấu hiệu này mà bệnh trầm cảm được được chia thành 03 mức độ: nhẹ – vừa – nặng.

Trầm cảm rất phổ biến, kkhông phân biệt giới tính hay độ tuổi, có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào và thường phổ biến ở nữ giới hơn nam giới. Theo thống kê hiện nay, có đến 80% dân số trên thế giới sẽ bị trầm cảm vào một lúc nào đó trong cuộc đời của mình. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cứ 20 người bình thường sẽ có một người đã từng bị một giai đoạn trầm cảm. Mỗi năm trung bình 850.000 người chết vì trầm cảm.

2. Stress có phải là trầm cảm không?

Stress và trầm cảm (Depression) là hai bệnh khác nhau, nhưng thường bị nhầm lẫn là một bệnh do có chung một số dấu hiệu. Các dấu hiệu của bệnh stress có nhiều nét tương đồng với bệnh trầm cảm giai đoạn nhẹ.

Bệnh stress (hay còn gọi là căng thẳng) là phản ứng của cơ thể trước một sự kiện hoặc tình huống gây áp lực cả về thể chất và tinh thần. Trong khi đó, bệnh trầm cảm là một rối loạn tâm thần, làm thay đổi các hoạt động chức năng của não.

Căng thẳng có thể được khắc phục bằng cách thay đổi lối sống, tuy nhiên người bị trầm cảm có thể cần phải điều trị, chăm sóc đặc biệt để trở lại trạng thái bình thường.

Những thay đổi tâm lý và thể chất khi bị trầm cảm là do các thay đổi hóa học bên trong của não bộ. Điều này khiến các triệu chứng của bệnh trầm cảm xảy ra nghiêm trọng và kéo dài lâu hơn căng thẳng, stress.

3. Trầm cảm có nguy hiểm không ?

Trầm cảm là một căn bệnh tâm thần rất nguy hiểm. Trầm cảm gây ra rất nhiều những nguy hại cho người mắc phải, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người bệnh, đồng thời có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng rất khó lường trước, như:

  • Người bị bệnh trầm cảm thường xuyên mất ngủ khiến cho sức khỏe giảm sút, tinh thần trí tuệ kém minh mẫn, ảnh hưởng đến công việc và đời sống hằng ngày.
  • Trầm cảm khiến cho người bị bệnh có vấn đề với ăn uống, rối loạn về thèm ăn, lâu dài khiến cho suy nhược cơ thể nghiêm trọng
  • Trầm cảm khiến cho người bệnh gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp, quan hệ xã hội, ảnh hưởng trực tiếp tới công danh, sự nghiệp, thậm chí gây ra rạn nứt tình cảm gia đình.
  • Trầm cảm khiến bệnh nhân luôn bị cảm giác bi quan, suy nghĩ thiếu tích cực, mất cảm hứng với các hoạt động cơ bản bao gồm cả công việc tại cơ quan hay công việc gia đình.
  • Trầm cảm trong diễn biến xấu nhất có thể là tác nhân trực tiếp dẫn đến việc tự sát, hoặc giết người.
  • Ngoài ra, trầm cảm là yếu tố khiến cho các bệnh lý khác trở nên trầm trọng, phức tạp, khó điều trị hơn như: tim mạch, dạ dày, tuyến giáp…

Đặc biệt nguy hiểm, nếu người bệnh không vượt qua được giai đoạn trầm cảm hoặc không được điều trị kịp thời, trầm cảm có thể khiến cho cuộc sống của người bệnh gặp nhiều khó khăn, thậm chí tạo ra những kết cục rất bi thảm, như: tự tử, mẹ giết con, vợ giết chồng,…

4. Nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm

Hiện nay, y học chưa xác định được nguyên nhân chính xác nhất dẫn đến trầm cảm. Bệnh trầm cảm có thể do những nguyên nhân riêng lẻ khác nhau hoặc sự kết hợp của nhiều nguyên nhân. Những nguyên nhân phổ biến bao gồm:

  • Yếu tố di truyền: Trầm cảm thường phổ biến ở những gia đình có người bị mắc bệnh trầm cảm.
  • Sự mất cân bằng của nồng độ serotonin trong não: Những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng những thay đổi về chức năng và hiệu quả của các chất dẫn truyền thần kinh cùng với cách chúng tương tác với các mạch thần kinh tham gia duy trì ổn định tâm trạng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc gây ra bệnh trầm cảm.
  • Hormone: Sự mất cân bằng của Hormone trong cơ thể có thể trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra trầm cảm. Những thay đổi Hormone gây ra một số vấn đề trong những tuần hoặc vài tháng sau khi sinh (sau sinh) đối với phụ nữ sinh nở và các vấn đề về tuyến giáp, mãn kinh hoặc một số bệnh lý khác.
  • Stress – căng thẳng: là một trong những yếu tố lớn gây ra trầm cảm.
  • Những chấn thương lớn ảnh hưởng tới người bệnh: bị mù, bị cụt tay, chân, mất khả năng sinh sản…

5. Những ai dễ bị trầm cảm ?

Trầm cảm có thể đến với mọi người, tuy nhiên lứa tuổi phổ biến vào khoảng 18-45 tuổi, ngoài ra, độ tuổi trung niên và tuổi già cũng dễ gặp rối loạn này. Đây là nhóm sẽ đối diện với nhiều yêu cầu từ xã hội, và các thay đổi trong cuộc sống (tìm việc làm, kết hôn, sinh con vào độ tuổi vị thành niên, về hưu …). Tuy nhiên, nghiên cứu y khoa thống kê còn rất nhiều đối tượng dễ mắc rối loạn trầm cảm, có thể kể đến những nhóm sau:

  • Có tiền sử rối loạn lưỡng cực
  • Lạm dụng rượu hoặc chất kích thích
  • Lạm dụng tình dục
  • Những tổn thương thời thơ ấu
  • Một số đặc điểm tính cách, chẳng hạn như lòng tự trọng thấp hoặc sống phụ thuộc
  • Bệnh nặng, chẳng hạn như ung thư hoặc bệnh tim
  • Một số loại thuốc như thuốc cao huyết áp, thuốc ngủ
  • Những căng thẳng vì môi trường sống

Nguy cơ trầm cảm cũng có thể tăng lên trong các trường hợp:

  • Có người trong gia đình có tiền sử trầm cảm, rối loạn lưỡng cực hoặc nghiện rượu
  • Đã trải qua những sự kiện khiến bạn suy sụp, “sốc” như sự ra đi của người thân yêu nhất
  • Trầm cảm sau khi sinh nở
  • Trong gia đình có người tự sát
  • Rất ít bạn bè hoặc các mối quan hệ cá nhân khác

6. Những dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng của bệnh trầm cảm

– Những dấu hiệu thường gặp của bệnh trầm cảm

Các biểu hiện của bệnh trầm cảm có thể khác nhau ở mỗi người, tuy nhiên đa số người bệnh thường có những biểu hiện dưới đây:

  • Vấn đề với giấc ngủ: khó ngủ, mất ngủ trong thời gian dài;
  • Vấn đề về ăn uống: cảm giác chán ăn, ăn không ngon thường xuyên;
  • Cơ thể khó chịu, tâm thần bất an: Luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu, không thoải mái và lo lắng;
  • Ngại giao tiếp xã hội: Không muốn nói chuyện, tiếp xúc với những người xung quanh;
  • Chậm chạp, không có hứng thú với bất kỳ điều gì: Chán nản, buồn rầu, mất cảm hứng đối với nhiều thứ, không duy trì được hưng phấn thậm chí không còn hưng phấn;
  • Luôn bi quan trong mọi việc: Luôn nhìn nhận mọi việc một cách thiếu lạc quan, cảm thấy mọi thứ sẽ tồi tệ;
  • Luôn tự ti về bản thân: Luôn lo lắng bản thân kém cỏi, sợ hãi;
  • Có ý nghĩ tự tử hoặc đã từng tự sát;

– Dấu hiệu trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh thường gặp ở các bà mẹ lần đầu sinh con, hoặc những bà mẹ sinh quá nhiều con nhưng thiếu sự hỗ trợ từ gia đình hoặc xã hội. Người mẹ rơi vào tâm trạng lo lắng, thiếu ngủ, cáu gắt, hoặc khóc lóc, có thể khó kiểm soát hành vi, làm đau em bé, hoảng sợ khi con khóc…

– Dấu hiệu trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên

  • Tự đánh giá thấp bản thân
  • Có những hành vi gây hấn, kích động
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Có các khó chịu, than phiền về cơ thể
  • Mất năng lượng
  • Chán học hoặc học tập sa sút
  • Hay một số trẻ trở nên ngoan quá mức, tách biệt, lãnh đạm

– Dấu hiệu trầm cảm ở người lớn tuổi

Trầm cảm ở người lớn tuổi thường bị xem nhẹ, hiểu lầm thành các dấu hiệu về tâm lý như “người già thường hay thế” nên không đi khám, trị liệu. Các triệu chứng của bệnh trầm cảm ở người lớn tuổi có thể như sau:

  • Giảm trí nhớ hoặc thay đổi nhân cách
  • Đau nhức toàn thân
  • Mệt mỏi, mất ăn, khó ngủ
  • Thường muốn ở nhà hơn là đi ra ngoài, ngại giao tiếp, ngại tham gia các hoạt động đoàn thể
  • Tự tử hoặc suy nghĩ muốn tự tử, đặc biệt ở những người đàn ông lớn tuổi

7. Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Nếu bạn cảm thấy chán nản vài ngày với các biểu hiện triệu chứng như ở trên, hãy hẹn gặp bác sĩ ngay khi có thể. Trầm cảm có thể trở nên tồi tệ hơn rất nhiều nếu nó không được điều trị. Vì bản thân và người thân của bạn, đừng chủ quan.

Chú ý rằng: Trầm cảm không chỉ tác hại nghiêm trọng tới người bị bệnh mà thậm chí nó có thể còn đặt những người xung quanh vào tình trạng nguy hiểm không mong muốn. Khi có các dấu hiệu như kể trên, bạn nên sớm tới khám tại các cơ sở y tế uy tín có khoa tâm thần kinh để được chẩn đoán và điều trị sớm. Bệnh được điều trị càng sớm, các tác hại của bệnh càng được giảm thiểu.

8. Chẩn đoán và điều trị bệnh trầm cảm

– Chẩn đoán bệnh trầm cảm

Trầm cảm được chẩn đoán dựa vào biểu hiện lâm sàng và một số xét nghiệm cận lâm sàng để xác định bệnh, đánh giá mức độ trầm cảm, từ đó bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp.

Bệnh trầm cảm rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, đặc biệt là nhóm bệnh tâm thần. Do đó, bác sĩ cũng sẽ có những kinh nghiệm và cách thức chuyên môn để xác định đúng tình hình của bệnh nhân.

Bác sĩ có thể chỉ định bạn làm một số xét nghiệm để đo nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh, xác định nguyên nhân gây bệnh trầm cảm và loại trừ các khả năng khác.

– Điều trị bệnh trầm cảm

Các phương pháp điều trị trầm cảm phổ biến hiện nay bao gồm:

  • Điều trị bằng thuốc: Đây là phương pháp phổ biến để điều trị bệnh trầm cảm. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy thuốc chống trầm cảm hữu ích cho những người bị trầm cảm trung bình hoặc nặng. Chúng thường không được khuyên dùng cho trường hợp trầm cảm nhẹ, vì trầm cảm thể nhẹ có thể được điều trị bằng liệu pháp tâm lý. Các loại thuốc và liều lượng, thời gian điều trị sẽ do bác sĩ chỉ định. Hiện nay, các thuốc phổ biến được dùng điều trị trầm cảm như: thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc, thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc ức chế monoamine oxidase, thuốc chống trầm cảm không điển hình.
  • Điều trị tâm lý: Điều trị tâm lý được xem là liệu pháp chữa trị trầm cảm phát huy hiệu quả trong xã hội hiện đại. Các tâm lý gia được đào tạo bài bản các liệu pháp và kỹ thuật để đồng hành hỗ trợ tâm lý với bệnh nhân. Việc trị liệu tâm lý không chỉ giúp bệnh nhân dần dần hồi phục trở lại, thoát khỏi sự phiền nhiễu của trầm cảm, mà đó còn là hành trình giúp bệnh nhân hiểu thêm bản thân mình, gia tăng sự tự tin và thích nghi với đời sống hơn.

9. Ngăn ngừa bệnh trầm cảm

Trầm cảm không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối, đây là một căn bệnh mà bất kỳ ai cũng có thể mắc. Bệnh trầm cảm hoàn toàn có thể ngăn ngừa được bằng cách xây dựng một môi trường sống, môi trường học tập, làm việc lành mạnh, vui vẻ, quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau.

Về chế độ sinh hoạt, bạn nên xây dựng và duy trì chế độ ăn uống hợp lý, tập trung vào các thực phẩm giàu Omega 3, khoáng chất, vitamin và chất chống oxy hóa. Với trường hợp bị trầm cảm do nguyên nhân nội sinh, bạn nên sử dụng các loại thực phẩm có khả năng tăng tuần hoàn máu và cải thiện tâm trạng.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên hạn chế sử dụng thuốc lá, rượu bia và chất kích thích, tập thể dục đều đặn, tránh thức đêm và không dành quá nhiều thời gian để chơi game, sử dụng internet và các ứng dụng mạng xã hội, thay vào đó, bạn nên phát triển các mối quan hệ xã hội lành mạnh.

Một trong những biện pháp đơn giản nhất để phòng và điều trị trầm cảm là trò chuyện với mọi người, đặc biệt, bạn hãy trò chuyện với mọi người khi có gặp những chuyện không vui, khi đang cảm thấy có những áp lực từ gia đình, công việc, học tập,… đừng để bản thân một mình với nỗi buồn, lo.

Nếu bạn nghĩ mình bị trầm cảm: Hãy tích cực giao tiếp với mọi người, hãy chia sẻ với ai đó mà bạn tin cậy về cảm giác và suy nghĩ của mình. Bạn hãy tiếp tục làm việc, tích cực tập luyện thể dục thể thao, đồng thời tránh sử dụng đồ uống có cồn và các chất gây nghiện.

Khi cần trợ giúp chuyên môn: Hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được cán bộ y tế hướng dẫn, tư vấn về sức khỏe.

Hãy nhớ rằng điều quan trọng là bạn phải vượt qua được chính bản thân mình. Yêu cầu giúp đỡ là một dấu hiệu của sức mạnh.

10. Lời kết

Trầm cảm là bệnh, cần phải được điều trị với các bác sĩ khoa tâm thần kinh. Tùy vào thể trạng bệnh nhân, bệnh cần trị liệu trong thời gian dài hoặc ngắn. Vì một cuộc sống tốt hơn, bản thân người bệnh và người thân cần có thái độ tích cực khi đối mặt với căn bệnh này.

Nếu có các triệu chứng nghi ngờ trầm cảm, người bệnh không nên xem nhẹ hay bỏ mặc cơ thể mà cần đến cơ sở y tế có chuyên môn, trình độ cao để được khám, đánh giá mức độ trầm cảm cũng như đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Tham khảo:

 

About Tổng đài Y khoa

FACEBOOK

Số người quan tâm